Kết cuộc Trận_Leuthen

Tranh của Wilhelm Camphausen (thế kỷ 19) vẽ Friedrich cùng quân sĩ sau trận đánh. Lính Phổ cùng hát Nun danket alle Gott, do đây mà bài này được gọi là thánh ca Leuthen.[31]Tranh của Richard Knötel mô tả cảnh Friedrich vào lâu đài Lissa, thấy 1 nhóm sĩ quan Áo (mặc áo trắng) ngạc nhiên tột độ.

Khi đêm xuống, tuyết bắt đầu rơi, Friedrich hạ lệnh ngừng truy kích. Có giai thoại kể một số quân sĩ Phổ, hoặc có lẽ chỉ 1 người, đã hát vang bài thánh ca Kháng Cách Nun danket alle Gott; không lâu sau đó toàn bộ quân đội cùng hát theo.[31][Note 1] Friedrich đi về Lissa. Bại binh chạy từ Leuthen ùa vào thành phố; khi Friedrich bước vào sân lâu đài địa phương, ông thấy nhiều sĩ quan Áo ngỡ ngàng. Tương truyền, ông xuống ngựa và nói với họ bằng giọng nhã nhặn: "Chào buổi tối, các bạn, ta biết các bạn không ngờ ta ở đây. Cho ta ở trọ qua 1 đêm cùng các bạn được không?".[32]

Trận Leuthen kết thúc với thất bại hoàn toàn của quân đội Áo. Thiệt hại của họ lên đến 22 nghìn sĩ quan và binh lính (trong đó bao gồm 3 nghìn người tử trận, 7 nghìn người bị tàn phế và hơn 12 nghìn người khác bị bắt làm tù binh), và con số này chiếm tới hơn 1/3 lực lượng Áo tham gia trận chiến.[33] Ngoài ra, nhà sử học, nhân khẩu học Áo Gaston Bodart ước tính 5% số người chết, bị tàn phế là sĩ quan.[34] Nhiều trung đoàn Áo bị tan vỡ hoàn toàn ở giai đoạn đầu và cuối của trận đánh.[35] Tổn thất về nhân lực của Phổ cũng không hề nhẹ, với 6259 quân thương vong (1141 người thiệt mạng; 5118 bị thương) và 58 người bị bắt sống.[36] Trong số này có 2 thiếu tướng: Lorenz Ernst von Münchow bị thương nặng, đến tháng 1 năm 1758 thì chết; Kaspar Friedrich von Rohr trúng đạn pháo và chết ở Radaxdorf ngày 12 tháng 12 năm 1757.[37][38]

Tuy vậy, tỷ lệ chênh lệch tổn thất giữa Áo với Phổ lên đến hơn 3:1 và đây là một sự chênh lệch rất hiếm có trong chiến tranh ở châu Âu thế kỷ 18.[1] Quân Phổ cũng tịch thu được 130 cỗ đại bác, 4 nghìn xe lương, 50 quân kỳ và hiệu kỳ cùng với một lượng lớn súng và quân trang của Áo.[1][36] Khí thế quân Áo suy sụp trầm trọng; họ đã thua một đội quân vừa thua kém về số quân, pháo lại vừa mệt mỏi sau khi hành quân suốt 12 ngày từ Sachsen về Schlesien. Karl và Daun đều chìm vào "vực thẳm của sự nản chí"; Karl cũng không thể tin được điều gì đã xảy ra. Trước đây ông từng thua Friedrich nhiều trận, nhưng không trận nào thảm như Leuthen.[39]

Sau trận Leuthen, bộ thống soái Áo quyết định rút toàn bộ quân chủ lực về lãnh thổ Böhmen, chỉ để lại các đồn binh rải rác ở Breslau, Liegnitz và Schweidnitz. Các đơn vị chủ lực Áo đã hoàn tất vượt biên giới Schlesien – Böhmen vào ngày 23 tháng 12. Sự tháo chạy của đội quân này đã mở đường cho quân Phổ thu hồi các thành phố lớn của Schlesien: thoạt tiên, họ cho pháo kích dữ dội vào Breslau buộc 17 nghìn quân đồn trú phải đầu hàng ngày 20 tháng 12. Toàn bộ đồn binh Breslau bị thêm vào danh sách tù binh của Phổ. Đến ngày 28 tháng 12, 3400 quân đồn trú Liegnitz cũng đầu hàng, nhưng lực lượng này được người Phổ cho phép rút về Böhmen. Sau đó, quân Phổ nghỉ đông và sang đầu năm 1758 họ mới tiến hành tái chiếm Schweidnitz. [33][40]

Trong các thư từ của mình vào mùa đông năm 1757, Friedrich II bày tỏ niềm tin rằng chiến thắng Leuthen sẽ ép Áo ký hòa ước với Phổ vào tháng 3 năm 1757. Trên thực tế, mặc dù hoàng hậu La-Đức kiêm đại công nương Áo Maria Theresia (người nắm thực quyền cai quản Áo) đã khóc rất nhiều sau khi nghe tin về trận đánh, bà ta và tể thần Wenzel Anton von Kaunitz-Rietberg vẫn kiên quyết theo đuổi cuộc chiến.[33] Kaunitz đã đề ra các biện pháp ngoại giao để thuyết phục Nga và Pháp duy trì niềm tin của mình vào liên minh với Áo và thất bại cuối cùng của Phổ.[33][1] Đồng thời, Maria Theresia sa thải em chồng là vương công Karl và trao binh quyền cho thống chế Daun.[41] Karl bị điều đi làm thống đốc Hà Lan thuộc Áo.[39] Người Áo cùng các đồng minh cũng tiến hành nhiều cải cách quân sự và rút ra một số kinh nghiệm như không đánh quân Phổ trên đồng trống, và phải chủ động cướp địa hình thuận lợi buộc quân Phổ bị động giao chiến. Nhờ đó, họ gây khó khăn lớn cho quân đội Phổ trong giai đoạn 1758 – 1762.[42] [43]

Tuy nhiên, trận Leuthen vẫn là một thắng lợi quyết định đối với người Phổ, vì nó khai lối cho Friedrich chiếm lại hoàn toàn tỉnh Schlesien, làm phá sản hoàn toàn kế hoạch chinh phục Phổ của liên minh Áo-Nga-Pháp-Thụy Điển năm 1757, đồng thời tạo động lực lớn cho Phổ tiếp tục cự nhau với liên minh này trong 6 năm tiếp theo.[36][1][40]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_Leuthen //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... //www.worldcat.org/oclc/1851096728 https://books.google.com/books?id=4jjvBQAAQBAJ&pg=... https://books.google.com/books?id=KXXis-3LSLgC&pg=... https://books.google.com/books?id=WMvvCwAAQBAJ&pg=... https://books.google.com/books?id=s6KRAAAAMAAJ&pg=... https://books.google.de/books?id=6z9BAAAAcAAJ&pg=P... https://books.google.de/books?id=JpdAAAAAcAAJ&pg=P... https://books.google.com.vn/books?id=WvpiFTmWnaQC&...